LIÊN HỆ MUA BÁN XE

0966.809.696

hien thi
Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo ATGT trong quý II năm 2017
20 Mar
Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo ATGT trong quý II năm 2017

Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng mặc dù những tháng đầu năm 2017, tình hình trật tự ATGT tiếp tục có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí.

Chiều ngày 16/3, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trựcChính phủ - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình, Ủy ban ATGT Quốc tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo ATGT quý I năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ quý II năm 2017. 
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Quang Nghĩa; Phó chủ tịch chuyên trách UBATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng.
Tình hình trật tự ATGT có nhiều chuyển biến tích cực

 Tuy nhiên, công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn một số hạn chế. Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự cuộc họp nêu cao tinh thần trách nhiệm phân tích rõ các nguyên nhân, hạn chế; đề ra các giải pháp thiết thực, lâu dài để khắc phục các tồn tại, hạn chế; tiếp tục kiềm chế tai nạn giao thông, đặc biệt là các tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Báo cáo với  Hội nghị tình hình triển khai, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trong quý I/2017, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng, toàn quốc, tính từ 16/12/2016 đến 15/2/2017, xảy ra 3.465 vụ tai nạn giao thông,làm chết 1.570 người, bị thương 2.660 người. So với 2 tháng đầu năm 2016, tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, số vụ tai nạn giao thông giảm 153 vụ(giảm 4,23%), số người chết giảm 20 người (giảm 1,26%), số người bị thương giảm 707 người (giảm 21%).

Tình hình vận tải trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, Tết Âm lịch được đảm bảo tốt năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ được nâng cao, không để xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại, các phản ánh về tình trạng nhồi nhét hành khách, chở quá tải, thu giá vé cao giảm, tình hình an ninh, trật tự tại các bến, nhà ga, cảng hàng không trên các tuyến vận tải, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định. Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và một số địa phương đã ra quân triển khai đồng bộ nhiều giải pháp lập lại trật tự giao thông đô thị, trong đó chú trọng xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng, lề đường gây mất trật tự, an toàn giao thông, ưu tiên giành vỉa hè cho người đi bộ đồng thời tổ chức sắp xếp hợp lý các hoạt động phi giao thông trên vỉa hè, lề đường, trả lại cảnh quan đô thị.
Chỉ ra nguyên nhân của một số tồn tại, hạn chế

Tuy nhiên, theo ông Khuất Việt Hùng, mặc dù có chuyển biến nhưng công tác bảo đảm TTATGT còn một số hạn chế như tình hình tai nạn giao thông trong 7 ngày Tết Nguyên đán Đinh Dậu tăng cao so với 7 ngày đầu dịp Tết Bính Thân, từ ngày 1/1/2017 đến ngày 6/3/2017 xảy ra 21 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 51 người chết, bị thương 72 người; xảy ra một số vụ cháy phương tiện giao thông chở khách gây thiệt hại về tài sản và hoang mang trong dư luận; hình thức xe ô tô hoạt động theo mô hình vận tải tuyến cố định trá hình xe kinh doanh hợp đồng có xu hướng tăng mạnh, gây mất trật tự an toàn giao thông cạnh tranh bất bình đẳng với dịch vụ chở khách theo tuyến cố định; có dấu hiệu tái diễn tình trạng xe ô tô chở quá tải tại các địa bàn có mỏ vật liệu, có các công trường đang thi công, đang thu hoạch nông, lâm sản; ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn vẫn còn diễn biến phức tạp

Báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đã chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến một số tồn tại, hạn chế nêu trên. Đó là: Chưa có quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho nên việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp Ủy, đứng đầu chính quyền cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương trong công tác bảo đảm TTATGT; hạ tầng giao thông tuy đã được cải thiện căn bản, nhưng vẫn còn tồn tại các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT chưa được xử lý dứt điểm; hạn chế về ý thức chấp hành pháp luật TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, trình độ, kỹ năng điều khiển phương tiện của một bộ phận người lái xe ô tô, lái xe mô tô còn yếu kém; lượng phương tiện cơ giới đường bộ gia tăng nhanh chóng; hạn chế trong kinh phí phục vụ cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Ban ATGT thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh báo cáo về kinh nghiệm trong công tác lập lại trật tự đô thị, trật tự công cộng, lòng đường vỉa hè, xây dựng đường gom, và làm gờ giảm tốc tại các đường ngang; công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt tại các tỉnh Đồng Nai, Phú Thọ, của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch lái xe, công tác xử lý điểm đen và tổ chức cảnh báo tại các đường ngang trên các tuyến quốc lộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT trong mùa lũ, giải pháp quản lý phương tiện dân sinh trong vùng nước chưa được công bố, quản lý của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; giải pháp phòng chống cháy nổ đối với các phương tiện giao thông của  Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Quang Nghĩa cho rằng tình hình TTATGT tiếp tục có chuyển biến tích cực thời gian vừa qua có sự vào cuộc hết sức tích cực, nỗ lực từ các cơ quan, địa phương các cấp, lãnh đạo, các lực lượng của các địa phương cũng đã triển khai ứng cứu người bị nạn trong các tai nạn một cách kịp thời, đặc biệt là các vụ tai nạn nghiêm trong thời gian qua như ở Lào Cai, Thừa Thiên - Huế. Bộ trưởng Bộ GTVT,  Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Quang Nghĩa đề nghị các địa phương cùng vào cuộc một cách mạnh mẽ, bài bản trong lập lại trật tự đô thị, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Cần đẩy mạnh việc giành lại các hành lang an toàn giao thông các tuyến đường sắt, đường bộ, giải quyết dứt điểm hiện tượng xe dù, bến cóc.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cùng đề nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo để tiếp tục có sự phối hợp giữa ngành Công an và các lực lượng của ngành GTVT trong kiểm soát tải trọng xe, kiểm soát xe hết niên hạn, bằng lái của lái xe vi phạm Luật Giao thông, kiểm soát  tốc độ tại các điểm đen ATGT cũng như nâng cao đạo đức công vụ trong các lực lượng thực hiện chức trách bảo đảm trật tự ATGT.
Triển khai quyết liệt các giải pháp trọng tâm

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình khẳng định chính sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương, tình hình TTATGT tiếp tục có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, hoạt động vận tải hành khách đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, trật tự giao thông tại các đô thị lớn đã cơ bản được lập lại.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhiệt liệt biểu dương các Bộ, ngành, các tổ chính chính trị xã hội, các địa phương đã nỗ lực triển khai có hiệu quả các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT trong quý I/2017 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ GTVT, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và 34 tỉnh, thành phố có số người chết giảm so với cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh các nguyên nhân, tồn tại, hạn chế mà Ủy ban ATGT quốc gia đã nêu, Phó Thủ tướng cho rằng còn có trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp trong việc huy động các lực lượng, đoàn thể tại địa phương trong xử lý các vấn đề bảo đảm trật tự ATGT.

Phó Thủ tướng đề nghị, để đạt mục tiêu kéo giảm số vụ TNGT, số người chết và số người bị thương do TNGT từ 5-10%, giảm số vụ ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn và trên các trục giao thông trọng điểm, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế trong phát triển và đảm bảo an toàn về kết cấu hạ tầng, phương tiện, kỹ năng, đạo đức, trách nhiệm của người tham gia giao thông liên quan đến bảo đảm TTATGT; Tiếp tục xây dựng văn hoá giao thông cho toàn xã hội; Phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược gắn với tái cấu trúc phát triển không gian; Tiếp tục tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải; Phát triển hệ thống vận tải công cộng, khối lượng lớn trong đô thị và kết nối vùng; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển giao thông thông minh.

Về các nhiệm vụ cấp bách, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT, các quy định về tổ chức bộ máy quản lý về an toàn giao thông; Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương và địa phương để khắc phục các điểm đen, vị trí mất an toàn giao thông, xây dựng hộ lan, cọc tiêu, biển báo và các đoạn lánh nạn đối với đường đèo dốc, miền núi; rà soát, bổ sung gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính;Khẩn trương rà soát, bổ sung chương trình đào tạo và nội dung sát hạch lý thuyết và thực tế đối với lái xe ô tô kinh doanh vận tải các kiến thức và kỹ năng điều khiển phương tiện đi qua nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; điều khiển phương tiện trên địa hình đèo dốc, hiểm trở; điều khiển phương tiện trên đường cao tốc...

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tập trung vào các địa phương, trung tâm đào tạo, sát hạch có nhiều lái xe được cấp giấy phép vi phạm quy định pháp luật về TTATGT gây tai nạn giao thông nghiêm trọng; Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định về an toàn kỹ thuật đối với xe ô tô tải, xe ô tô khách, ngăn chặn không cho phép những phương tiện tự ý hoán cải, thay đổi thiết kế được lưu hành;

Tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, chú trọng tuần tra lưu động, mô hình tổ tuần tra phối hợp cảnh sát giao thông với các lực lượng cảnh sát khác; mở đợt cao điểm về xử lý vi phạm tốc độ để hưởng ứng Tuần lễ an toàn đường bộ toàn cầu (8/5-14/5/2017), tiếp tục đẩy mạnh xử lý hành vi người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm về nồng độ cồn, chở quá tải trọng hàng hoá, quá số hành khách; phương tiện thuỷ chở quá số người quy định, chở quá tải trọng, thiếu dụng cụ cứu sinh; gắn và xử lý trách nhiệm người đứng đầu của từng đơn vị theo địa bàn được phân công phụ trách;

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tới mọi đối tượng, trong đó chú trọng xây dựng văn hóa giao thông cho thanh, thiếu niên, tập trung hướng dẫn tham gia giao thông an toàn, có văn hoá, tuyên truyền các chế tài xử phạt; Xây dựng và triển khai kế hoạch lập lại trật tự giao thông đô thị; quản lý sử dụng vỉa hè đảm bảo quyền ưu tiên dành cho người đi bộ, tổ chức quản lý hiệu qủa phần vỉa hè, lòng đường sử dụng để trông giữ xe, kinh doanh, buôn bán....; Tăng cường lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. 

Theo mt.gov.vn

Bình luận của bạn