LIÊN HỆ MUA BÁN XE

0966.809.696

hien thi
Việt Nam giới thiệu các dự án giao thông quan trọng tại APEC
07 Nov
Việt Nam giới thiệu các dự án giao thông quan trọng tại APEC

Đăng bởi Admin in Tin Tức | 10 Comments

Chiều nay, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã có bài giới thiệu tại diễn đàn kinh doanh APEC về định hướng và chính sách phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam.

Báo Giao thông xin giới thiệu bài phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Nhật tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam diễn ra chiều 7/11 tại Đà Nẵng.

Thực trạng hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam

Kể từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT). Diện mạo hệ thống KCHTGT nhờ đó có những những chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế và có tác động mạnh mẽ tới hạn chế tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông.

Đến nay, hệ thống KCHTGT đã được đầu tư phát triển trên tất cả các lĩnh vực chuyên ngành. Trong đó, hệ thống hạ tầng giao thông thuộc Trung ương quản lý:

  - Đường bộ: có tổng chiều dài khoảng 24.203 km. Trong đó: Đường cao tốc đã đưa vào khai thác sử dụng 14 tuyến với tổng chiều dài 816,671 km; Quốc lộ có tổng chiều dài 23.862 km (đường cấp I dài 131km, chiếm 0,6%; đường cấp II dài 334km, chiếm 1,4%; đường cấp III dài 8.486km, chiếm 35,6%, đường cấp IV dài 8.122km, chiếm 34,0%, đường cấp V dài 3.063km, chiếm 12,8%, đường cấp VI dài 1.572km, chiếm 6,6%; các đoạn quốc lộ đang được xây dựng dài 2.156km, chiếm 9,0%.

- Đường thủy nội địa có tổng chiều dài đang khai thác, quản lý 7.071,8 km. Trong đó, có 45 tuyến đường thủy nội địa quốc gia chính với tổng chiều dài khoảng 6.533 km; 220 cảng thủy nội địa do trung ương quản lý, 3.087 bến thủy nội địa có phép trên các tuyến do trung ương quản lý.

- Đường sắt: Mạng lưới đường sắt quốc gia Việt Nam có tổng chiều dài 3.159,908 km. Trong đó có 2.532,464 km đường chính tuyến, 513,742 km đường ga và 113,702 km đường nhánh, bao gồm 3 loại khổ đường: khổ đường 1.000mm (dài 2.656,206 km, chiếm 84%), khổ đường 1.435mm (dài 187,530 km, chiếm 6%), khổ đường lồng 1.000mm&1.435mm (dài 316,172 km, chiếm 10%). Tổng số ga đường sắt gồm 216 ga, trong đó có 89 ga có hàng hóa, 110 ga có hành khách và 17 ga kỹ thuật. Năng lực thông qua các tuyến là 127 đôi tàu/ngày-đêm, thực tế khai thác đạt 59 đôi tàu/ngày-đêm (đạt 46,5%).

- Hàng hải: Có 32 cảng biển (trong đó có 14 cảng biển loại I và IA, 18 cảng biển loại II) ngoài ra còn có 13 cảng dầu khí ngoài khơi là cảng biển loại III. Tổng số bến cảng là 251 bến cảng với 87.549,6 m dài cầu cảng, tổng công suất thiết kế khoảng 500 đến 550 triệu tấn hàng/năm. Sản lượng thông qua năm 2016 khoảng 459,8 triệu tấn (đạt 86% công suất). Cả nước có 48 tuyến luồng hàng hải vào cảng quốc gia công cộng với tổng chiều dài là 943,7km và 12 tuyến luồng vào cảng chuyên dùng.

- Hàng không: có 21 cảng hàng không với tổng công suất đạt 77,75 triệu HK/năm và 1,01 triệu tấn hàng hóa/năm. Sản lượng thông qua năm 2016 là 80,78 triệu hành khách (đạt 104% công suất) và 1,10 triệu tấn hàng hóa (đạt 110% công suất). Có 08 cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Cần Thơ) và 13 CHK nội địa (Điện Biên, Thọ Xuân, Vinh, Đồng Hới, Chu Lai, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hoà, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Sơn). Công suất của các CHK quốc tế là 66,65 triệu lượt khách; sản lượng thông qua năm 2016 là 72,58 triệu HK (đạt 109% công suất); Công suất CHK nội địa là 11,10 triệu lượt khách; sản lượng thông qua năm 2016 là 8,20 triệu khách (đạt 74% công suất). Các CHK Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ đáp ứng khai thác được loại máy bay lớn như B747, B777; Cảng hàng không Cát Bi, Vinh, Đồng Hới, Phú Bài, Chu Lai, Phù Cát, Cam Ranh, Buôn Ma Thuật, Liên Khương, Tuy Hòa,... đáp ứng khai thác loại máy bay A320/A321.

- Hệ thống cảng cạn: hiện có 05 cảng cạn và 16 cảng thông quan nội địa, tập trung tại miền Bắc và miền Nam; hiện đang khai thác khoảng 2.632.721 TEU/năm trên tổng công suất là 6.538.200 TEU/năm (đạt 40% công suất).

Hệ thống hạ tầng do địa phương quản lý ước tính:

- Đường bộ: tổng chiều dài khoảng 249.352 km. Trong đó: Đường tỉnh có tổng chiều dài khoảng 28.911 km; Đường đô thị có tổng chiều dài khoảng 10.900 km; Đường giao thông nông thôn (chỉ tính đường huyện và đường xã) có khoảng 203.107 km (đường huyện 58.437 km; đường xã 144.670 km); Đường chuyên dùng có tổng chiều dài khoảng 6.434 km.

- Đường thủy nội địa: Tổng chiều đường thủy nội địa do các địa phương đang quản lý là 10.160 km (chiếm 59% tổng chiều dài đường thủy nội địa đang khai thác, quản lý của cả nước). Có 57 cảng thủy nội địa do địa phương quản lý, 3.403 bến thủy nội địa có phép trên các tuyến do địa phương quản lý; Bến khách ngang sông cả nước có 2.526 bến.

Trong giai đoạn 2011 - 2016, nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại như: đường bộ cao tốc, mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên, cảng biển quốc tế (Cái Mép - Thị Vải, Cái Lân, Hải Phòng, Cửa Lò, Vũng Áng, Tiên Sa, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ; đang triển khai xây dựng cảng Lạch Huyện, Luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu ), cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Cam Ranh...) đã được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế. Giao thông đô thị từng bước được cải tạo, nâng cấp và mở rộng, đặc biệt tại các đô thị lớn. Nhiều công trình hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư nâng cấp, trong đó có một số dự án trọng điểm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh như: cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, vành đai III Hà Nội, hầm Kim Liên, đại lộ Thăng Long, đại lộ Đông Tây, hầm Thủ Thiêm…khởi công một số dự án đường sắt đô thị như Hà Nội – Hà Đông, Nhổn – Ga Hà Nội, Bến Thành – Suối Tiên…

Đối với hoạt động vận tải đã từng bước được quản lý chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu vận tải trong nước và quốc tế; hạn chế được tình trạng ùn tắc hành khách, hàng hóa tại cảng hàng không, ga đường sắt, bến xe, bến cảng vào mùa vận tải cao điểm; đồng thời không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ vận tải; điều chỉnh cơ cấu vận tải theo thành phần kinh tế, trước đây chủ yếu chỉ có các doanh nghiệp nhà nước tham gia vận tải, nay đã xã hội hoá với nhiều thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt đã hình thành một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải tích tụ được vốn và trình độ quản lý, đảm bảo thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh; giá cước vận tải cơ bản đã được kiểm soát, bảo đảm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống hạ tầng giao thông Việt Nam hiện nay còn bộc lộ nhiều yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, mạnh để tiến tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, hệ thống đường bộ cao tốc mới bước đầu hình thành; hệ thống đường sắt đã lạc hậu, cũ kỹ, chưa đầu tư được đường sắt tốc độ cao; hệ thống cảng biển chưa khai thác hết công suất thiết kế; một số cảng hàng không đã xảy ra quá tải, chất lượng phục vụ giảm sút... Bên cạnh đó, do khó khăn về nguồn lực, hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu cũng không được duy tu, bảo dưỡng đầy đủ, kịp thời, nguy cơ dẫn tới xuống cấp, giảm năng lực phục vụ, khai thác. Những bất cập trên đã và đang làm giảm vị thế đi trước mở đường của ngành GTVT trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và xã hội hóa đầu tư trong giao thông

Căn cứ định hướng của Đảng và Nhà nước, ngành GTVT xác định mục tiêu đến năm 2020, hệ thống GTVT cần cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội, đảm bảo chất lượng ngày càng được nâng cao, giá thành hợp lý; kiềm chế tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường. Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu này, những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KCHTGT giai đoạn 2016 - 2020 được xác định như sau:

- Lĩnh vực đường bộ: Ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn, các tuyến kết nối. Phấn đấu đến năm 2020 cả nước có trên 2.000 km đường cao tốc, trong đó ưu tiên đầu tư cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh. Phát triển phương tiện vận tải đường bộ theo hướng ưu tiên vận tải công cộng, phương tiện đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và thân thiện với môi trường.

- Lĩnh vực đường sắt: Tập trung ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có. Nghiên cứu các phương án khả thi đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp;

- Lĩnh vực đường thủy nội địa: Tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa chính; ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến kết nối vùng đồng bằng Sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh; các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Thái Bình; tăng chiều dài các đoạn tuyến sông được khai thác. Nâng cấp và xây dựng mới một số cảng thủy nội địa chính, bến hàng hóa và hành khách ở đồng bằng Sông Cửu Long, đồng bằng Sông Hồng để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách; quy hoạch và đầu tư mạng lưới kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải sông pha biển.

- Lĩnh vực hàng hải: Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận các tàu container thế hệ mới. Ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại các khu bến cảng Lạch Huyện và khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong. Đầu tư đảm bảo sự kết nối liên hoàn giữa cảng biển với mạng giao thông quốc gia và đầu mối logistics ở khu vực. Xây dựng các cảng cạn và các kết cấu hạ tầng khác hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics;

- Lĩnh vực hàng không: Triển khai đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Khai thác hiệu quả các cảng hàng không, sân bay hiện có, trong đó ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại các cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ và Cam Ranh.

Để thực hiện được những mục tiêu nêu trên, những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sẽ được Bộ GTVT triển khai trong giai đoạn 2016-2020 là:

 Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược theo tinh thần chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 đã được Đảng đề ra. Tiếp tục triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 và Đề án Tái cơ cấu ngành GTVT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/7/2014, với mục tiêu Tái cơ cấu ngành GTVT nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật.

Tiếp tục đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm cả nguồn lực trong và ngoài nước; đặc biệt chú trọng việc các địa phương tham gia mạnh mẽ hơn vào việc huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước, đổi mới thể chế chính sách tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện, tháo gỡ các khó khăn, rào cản, tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông;

Sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư phát triển, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, các trung tâm kinh tế lớn. Tăng cường công tác bảo trì các công trình hiện có để nâng cao năng lực thông qua;

Tiếp tục tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng XDCB từ nguồn vốn NSNN và vốn TPCP; phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh công tác GPMB và tiến độ thi công các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt tại những công trình có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình;

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng; tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát, các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng; đẩy mạnh cải cách hành chính theo định hướng lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là mục tiêu.

Phát triển thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh, tạo nên cơ cấu hợp lý theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa, đặc biệt trên các hành lang vận tải chính; nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế;

Nâng cao hiệu quả, cải thiện năng lực sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành thông qua việc củng cố phát triển các doanh nghiệp nắm giữ các khâu then chốt, huyết mạch của ngành giao thông vận tải trong lĩnh vực hàng hải, đường sắt, hàng không, công nghiệp đóng tàu;

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong xây dựng phát triển và quản lý giao thông vận tải. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nâng cao năng lực hoạch định chính sách, dự báo, tư vấn, tổ chức quản lý đầu tư phát triển và quản lý khai thác kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý vận tải.

Với định hướng phát triển như nêu trên, ngành GTVT xác định nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 vào khoảng gần 1 triệu tỷ đồng, trong đó khoảng 60% cần được cân đối từ nguồn ngân sách (vốn ngân sách nhà nước và vốn ODA) và 40% từ nguồn huy động ngoài ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn NSNN còn rất khó khăn, khả năng kêu gọi huy động thêm vốn ODA cũng hạn chế do vướng trần nợ công và Việt Nam được coi như đã tốt nghiệp ODA ưu đãi nên sẽ là một trở ngại rất lớn trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Trong bối cảnh hiện nay thì việc tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn đầu tư ngoài ngân sách, xã hội hóa đầu tư được coi là giải pháp chủ đạo để có thể đạt được các mục tiêu phát triển.

Các dự án cần ưu tiên xã hội hóa, kêu gọi đầu tư từ nguồn ngoài NSNN trong ngành GTVT

Đường bộ: Tập trung kêu gọi vốn đầu tư để triển khai các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Đường sắt: Ưu tiên kêu gọi đầu tư cho các dự án kết nối với các khu công nghiệp, cảng biển lớn, góp phần thúc kinh tế - xã hội của khu vực, có khả năng hoàn vốn, như: Cải tạo nâng cấp tuyến Hà Nội - Hải Phòng;  Di dời ga Đà Nẵng khỏi trung tâm thành phố; xây dựng đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; Đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Dự án cải tạo, mở rộng ga Xuân Giao A; xã hội hóa các ga, bãi hàng tiềm năng...

Hàng không: Nghiên cứu, xây dựng các phương án xã hội hóa đầu tư phát triển các cảng hàng không theo hình thức nhượng quyền khai thác; huy động vốn đầu tư theo hình thức PPP để thực hiện một số hạng mục của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Hàng hải và đường thủy nội địa: tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa khai thác, đầu tư các cảng biển, cảng thủy nội địa, dịch vụ logicstic, ICD...

Các dự án hạ tầng giao thông đô thị.

P.Vinh (Ghi) - Báo giao thông

 

Bình luận của bạn